Nước mắm Cửa Khe, một trong số ít các sản phẩm tỉnh Quảng Nam tham dự hội nghị lần này.

Xuất phát từ chính nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, Hội nghị kết nối cung cầu miền Trung – Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2016 vừa qua tại TP.Đà Nẵng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Kết nối doanh nghiệp

Dù có nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên, tiềm năng phát triển nhiều ngành công nghiệp nhưng có thể thấy phần lớn các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên “sinh sau đẻ muộn” so với hai đầu đất nước. Do đó, xét về tiềm lực và khả năng liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, họ vẫn còn vướng phải nhiều hạn chế khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

 

Cũng chính từ nhu cầu này mà vào năm 2015, Hội nghị kết nối cung cầu miền Trung – Tây Nguyên ra đời tại Đà Nẵng và ngay lập tức để lại nhiều dấu ấn tích cực. Năm ngoái, đã có 42 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết tại hội nghị với tổng trị giá hơn 320 tỷ đồng, nếu không thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp khó lòng “bắt tín hiệu” được với nhau.

Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết tại hội nghị.

Dù là hội nghị khu vực nhưng thực chất năm nay Hội nghị kết nối cung cầu miền Trung – Tây Nguyên đã phủ sóng tầm quốc gia bởi ngoài 348 doanh nghiệp trong khu vực thì đã quy tụ được thêm gần 150 doanh nghiệp đến từ 12 tỉnh, thành khác trên toàn quốc. Một điều dễ dàng cảm nhận được chính là tinh thần cầu thị và mong muốn kết nối của các doanh nghiệp. Theo ông Tô Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Saigonship Đà Nẵng cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế mở, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực cần nhận thức rõ được sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài, nên càng xích lại gần nhau hơn để tìm cơ hội nhằm không đánh mất lợi thế “sân nhà” của mình”.

Chia sẻ với các lãnh đạo Bộ Công Thương có mặt hội nghị, nhiều đại diện doanh nghiệp bày bỏ sự phấn khởi và đồng thuận về những động thái tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây, tuy nhiên cũng rất trăn trở bởi thủ tục hành chính, pháp lý còn quá rườm rà, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn hoành hành khiến những đơn vị làm ăn chân chính lao đao. Hội nghị kết nối cung cầu lần này cũng nêu ra hạn chế là các doanh nghiệp chào bán sản phẩm quá nhiều khiến tình trạng cung áp đảo cầu. Đa số doanh nghiệp cần mua đến từ ngoài khu vực như Doanh nghiệp tư nhân Tứ Sơn (siêu thị Tứ Sơn – An Giang), Công ty CP Lai Phú (TP.Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Thực phẩm Trường Hào (Hà Nội)…

Doanh nghiệp Quảng Nam chưa mặn mà

Tại Hội nghị kết nối cung cầu miền Trung – Tây Nguyên lần này chỉ có 10 doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam tham gia mặc dù Sở Công Thương đã tích cực phát thông báo kêu gọi các doanh nghiệp tham dự. Đây được xem là con số khá ít ỏi bởi theo số liệu thống kê từ Cục Thuế tỉnh, đầu năm 2016 địa phương có hơn 5.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Điểm qua một số địa phương lân cận, các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ đã tích cực tham gia hội nghị này như Đà Nẵng (196 doanh nghiệp), Đắk Lắk (45 doanh nghiệp), Quảng Ngãi (16 doanh nghiệp)…

Một vấn đề dễ nhận thấy đối với các doanh nghiệp Quảng Nam tham dự sự kiện này là 9 trên 10 doanh nghiệp nằm trong nhóm nông sản – thực phẩm, ngoại trừ Công ty In – Phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam. Có vẻ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc các nhóm ngành khác như dịch vụ, vận tải kho bãi, dệt may – da giày, vật liệu xây dựng… vẫn chưa thực sự sẵn sàng chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một dịp hiếm có này. Trong khi đó, Quảng Ngãi có các công ty sản xuất phân bón, đường – sữa – bánh kẹo, cơ khí, thương mại – vận tải… nhiệt tình tham gia.

Các doanh nghiệp cho biết những đơn vị của Quảng Nam tham gia sự kiện lần này đã ít nhiều thu được lợi ích thiết thực trước mắt và lâu dài. Tổ hợp tác nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) là một trong những đơn vị tích cực tham gia quảng bá tại nhiều hội chợ, triển lãm đã tiêu thụ được tại chỗ hàng trăm chai nước mắm và ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm lâu dài với một đối tác tại TP.Đà Nẵng. Còn theo anh Bùi Nam Chính – chủ cơ sở sản xuất rượu ba kích Chính Châu (xã A Tiêng, Tây Giang) chia sẻ: “Nhờ tham dự hội nghị mà tôi đã được tiếp cận với nhiều đối tác tiềm năng. Ngoài ra, nó còn giúp cơ sở nhận ra mình đang đứng ở đâu để định hướng phát triển cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường”.

Theo baoquangnam.com.vn

Hotline